Tổng số lượt xem trang

NỖI KHỔ PHẢI NGHE NÓI TO

 VTH - Mình nhát gan nên một trong nỗi sợ của mình là gặp người nói to. Chắc là số phận toàn thử thách mình nên lại toàn gặp phải team thích âm thanh khuếch đại, thậm chí phải hàng ngày phải bất đắc dĩ nghe trừ lúc ngủ, oang oang từ chuyện "vợ chồng con cái sinh hoạt, có khi vui, có khi chửi nhau chí chóe" cho đến chuyện mua bán đất đai, tiền trong tài khoản ngân hàng... Thôi thì cắn răng mà chịu và giảm "xì trét" bằng cách tìm nguyên nhân lý giải. 

May quá gặp bài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mời bạn cùng đọc:



Vì sao người Việt có thói ăn to, nói lớn?


Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã nên nhiều người có thói quen “ăn to, nói lớn”... Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã nên nhiều người có thói quen “ăn to, nói lớn”, thậm chí nói oang oang như quát chỗ đông người đã khiến địa điểm công cộng, nơi điểm trang nghiêm cần sự yên tĩnh trở thành… cái chợ. Cái chợ hồn nhiên Với nhiều năm nghiên cứu về dân tộc học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, nói to ở nơi công cộng đúng là một trong những “đặc sản” của Việt Nam.

Hình ảnh một quán ăn đang yên tĩnh bỗng ồn ào bởi một nhóm khách vừa đến, vừa ăn vừa oang oang nói chuyện khiến quán ăn giống cái chợ; hay như trong bệnh viện vốn yên tĩnh bỗng bị phá vỡ bởi tiếng nói chuyện rôm rả của một nhóm nào đó vào thăm bệnh nhân... là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam. Rõ ràng nói to, hồn nhiên “oang oang” như thể ở nơi không người ngay chỗ đám đông, nơi công cộng là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, không phân biệt giới tính, trình độ, tuổi tác, vùng miền. Có điều, trong một đám đông mà ai cũng thích nói to, người này nói một câu, người kia nói một câu sẽ khiến cho không khí trở lên ồn ào, giống như một cái chợ. “Cái chợ” này có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào từ bến xe, quán ăn, góc phố, vỉa hè đến cả những nơi dường như chỉ dành cho sự yên tĩnh như bệnh viện, đám tang, hội nghị... 

Hiện có nhiều cách lý giải khác nhau về thói quen thích nói to nơi đông người của người Việt. Người dễ tính cho rằng, việc “ăn to, nói lớn” là thể hiện sự phóng khoáng của người Việt Nam. Người khó tính thì cho rằng việc thích nói to, giọng lúc nào cũng oang oang chốn đông người là cách lôi kéo sự chú ý hoặc phô trương bản thân của người Việt. Với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, dù thói quen này hiểu theo cách nào thì cũng là một thói xấu, bởi đó là sự thiếu tôn trọng người xung quanh, thiếu tôn trọng cộng đồng, thiếu ứng xử văn minh nơi công cộng. 

Chuyện của ngày hôm nay Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, thói quen xấu này không phải xuất phát từ cội nguồn văn hóa, không thuộc về bản tính dân tộc mà nó được hình thành từ sự khiếm khuyết trong giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, thời của ông, việc nói to, nói nhiều nơi công cộng được cha mẹ dạy rất nghiêm khắc. Ở nhà trường, trước năm 1954, điều này còn được đưa vào cả trong chương trình học của sách giáo khoa. Mọi người từ bé đều được dạy, đi ra đường gặp đám tang thì phải dừng xe, thậm chí phải bỏ mũ, cúi mình để tỏ lòng với người đã khuất, việc nói to trong đám tang là điều cấm kỵ. 

Nhưng xã hội ngày nay thì khác, đám tang chỉ là việc của gia đình người đã khuất, đi đám tang nhiều người vẫn cười đùa, nói năng bô bô, oang oang trong không khí trang nghiêm, buồn bã, thậm chí có người đi đám tang còn “hồn nhiên” khoe cả ảnh trên mạng xã hội. Cái ứng xử thiếu văn minh này là do lỗi của giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Hiện nay từ gia đình cho đến nhà trường, dường như chúng ta dạy cho trẻ rất nhiều thứ, nhưng cái cốt lõi nhất, cái thể hiện trình độ văn hóa, văn minh của con người là dạy sự tôn trọng cộng đồng, tôn trọng người xung quanh thì lại không thấy. Trong khi đó ở những xã hội văn minh, việc ứng xử với cộng đồng được người ta rất chú trọng. Ngay từ bé, những đứa trẻ nhỏ đã được cha mẹ, nhà trường giáo dục về việc ứng xử nơi công cộng, rằng nói to, nói lớn, “hồn nhiên” bô bô, oang oang nơi đông người là không lịch sự, là thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng cộng đồng. 

Khi cả một cộng đồng mà ai cũng được học về điều này thì cả xã hội sẽ tự điều chỉnh. Vì thế, ở các xã hội văn minh, dù là chốn đông người cũng không trở thành những “cái chợ” ồn ào như ở ta. Ở đó, người ta sẽ không “oang oang” nơi công cộng hoặc nếu có “hồn nhiên” mà quên thì sẽ được người bên cạnh nhắc, người bị nhắc sẽ lập tức hiểu và điều chỉnh hình vi của mình để không “lệch chuẩn” với xã hội. Nhìn lại vào xã hội Việt, từ sự thiếu hụt của gia đình, nhà trường, hiện nay xã hội của chúng ta cũng đang dung túng cho những cách ứng xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng với cộng đồng. Nếu ở các nước phương Tây, đi nghe hòa nhạc, bạn vô tình thầm thì to nhỏ, người bên cạnh sẽ nhắc nhở bạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, không ai nhắc chúng ta đừng nói to nữa, đừng nói chuyện làm ảnh hưởng tới người khác nữa. Thậm chí, ở nước ta nếu có ai đó nhắc, thì chắc sẽ nhận được sự phản ứng lại theo kiểu “việc của nhà ông à”, “vô duyên”... Điều này cho thấy, rõ ràng, xã hội đang dung túng cho những ứng xử thiếu văn minh. Lúc này, dù gia đình hay nhà trường có dạy trẻ cách ứng xử văn minh với cộng đồng, nhưng xã hội lại không thừa nhận những giá trị đó và lại biến những đứa trẻ được học về điều này trở thành “ngớ ngẩn” trong cuộc sống. 

Thay đổi không khó PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc thay đổi thói quen này không hề khó. Mất 5 năm, hay 10 năm để thay đổi cách ứng xử thiếu tôn trọng với cộng đồng phụ thuộc vào chính chúng ta. Việc thay đổi thói quen xấu này giống như việc thay đổi thói quen không đội mũ bảo hiểm ngày xưa. Ngày trước, khi thực hiện việc đội mũ bảo hiểm, nhiều người cũng phản đối và cho rằng đấy là việc thừa thãi, là không cần thiết. Nhưng sau 5 năm, giờ đội mũ bảo hiểm là việc hiển nhiên, ai không đội mũ sẽ bị lạc lõng, bị phê phán, chê cười. Cha mẹ không đội có khi bị con nhỏ nhắc nhở, bản thân các cháu nhỏ cũng rất ý thức về việc đội mũ bảo hiểm là an toàn, văn minh. Làm được điều này là do chúng ta đã kết hợp được giáo dục đạo đức từ gia đình, nhà trường và pháp luật đối với xã hội. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định: Xã hội phải được quản lý bằng luật pháp, sự văn minh và văn hóa. Không có cái gì chúng ta không làm được, một khi cả xã hội đều nhận thấy và thay đổi. Nếu thay đổi bằng tâm lý, bằng giáo dục chưa đủ hiệu quả thì cần phải dùng đến pháp luật. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, cái xấu cần phải thay đổi, thói quen tốt nên học. 

Vì thế, đã đến lúc thói quen nói to, nói lớn nơi đám đông cần được thay đổi. - “Xã hội của chúng ta đang dung túng cho những thói xấu này. Bởi không phải là người ta không biết, không nhận thức được nhưng vẫn cứ cố làm. Không ít trường hợp khi ra nước ngoài, họ biết xếp hàng, biết nói năng nhỏ nhẹ phù hợp nơi đám đông... Tuy nhiên, chính những con người ấy khi trở lại Việt Nam, họ sẵn sàng văng tục, chen lấn, nói oang oang chốn đông người, ấy là vì ở ta xã hội vẫn dung túng cho những thói xấu đó”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Để thay đổi thói quen này hãy bắt đầu bằng việc tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hãy dạy cho trẻ nhỏ ý thức tôn trọng cộng đồng, đám đông. Các nơi công cộng cũng nên tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở người dân thực hiện điều này. Ở nước ngoài, người ta thường có biển khuyến cáo theo kiểu đi nhẹ, nói khẽ, thậm chí là xử phạt nếu nói to. Còn những chiếc biển này ở nước ta dường như vẫn rất ít. Vì thế, các cơ quan, văn phòng, xí nghiệp… nên có nhiều biển khuyến cáo kiểu này để tuyên truyền, từ đó thay đổi dần thói quen nói to chỗ đông người. ThS Đinh Đoàn (Trung tâm Tư vấn Tâm lý, Đào tạo, Phát triển Cá nhân và Cộng đồng)

Huy Khánh - Kienthuc.net

LÂU LÂU LẠI GẶP QUẢ HỜN!


LÂU LÂU LẠI GẶP QUẢ HỜN!

Chơi facebook đã lâu, cũng vui buồn đủ cả. Riết rồi dòm cái ảnh đại diện hay đọc cái còm đã đoán già đoán non được chủ nhân dư lào rùi huống chi đọc mấy cái sờ ta tút các phây chủ đưa lên! Thôi thì “chịu trận” đủ các loại: sến sủa, khinh bạc, hận thù, gợi cảm, tủi thân, giận dữ, hả hê… uhm uhm!!

Nhưng còn có một loại sờ ta tút lâu lâu em cứ phải đọc, mà khổ thân em toát cả mồ hôi (dù trời có khi mưa to và đang se se lạnh) ấy là tút “dỗi hờn cả thế giới”!! Ý như lày: Bạn nào đó có kết bạn với một số bạn nào đó… mà đã nâu nắm rồi bạn đó đưa bao nhiêu là ý tưởng, suy nghĩ, trăn trở về đời, về người, về nhận thức của nhân loại…v…v mà mấy bạn kia ứ thèm like, ứ thèm khen hay, ứ thèm chia sẻ… (mặc dù bạn đó đã từng qua like, còm của các bên ấy nhiều lần rồi). Thế là Bạn này bèn dọa: Tui bỏ facebook mà đi đấy, hủy kết bạn nhé, xóa tên em trên bờ cát nhé…

Cứ tưởng cơn dỗi hờn ấy là của các bé đang tuổi dậy thì hay quá lắm của các mợ hồi xuân… Nhưng mà không phải thế. Còn là của các bác mày râu rất đáng kính, rất hiển hách, có thể đã và đang là “soái ca” trong các giấc mộng của một số mợ hẳn hoi.

Thế là thế nào nhỉ, nhà còn bao việc. Các bác lại đi hờn với cái thằng nhà mạng vô hình, với mấy cái ảnh đại diện lung linh chụp qua app hay mấy cái câu còm tung tưởi nhau cho giết thời gian rảnh mà không tốn tiền làm chi á?  Ai like hay không like thì kệ đi, có ting ting vào tài khoản không mà bực cho nhọc mình ạ?

Em hỏi nhé: có khối người qua đọc kĩ từng chấm phẩy của các bác, dưng mà cứ giả đò như không quan tâm í, sao các bác không thử điều tra xem? Giả dụ như chị nhà ấy mà, hay chị hàng xóm í? Hehe

Hải Hà

Ăn ké trên "phây bờ"


ĂN KÉ TRÊN PHÂY BỜ!



Mình hãi nhất là đi ‘ăn ké’. Ăn ké khác ăn chực nhưng cũng xêm xêm nhau ở chỗ là không nhai nuốt bằng cái mình có mà rình rình để “dây phần” của người khác. Trên Facebook cũng không khác chi cuộc đời thực. Rất nhiều bác cứ thấy ai có chút tên tuổi, có chút địa vị hay có chút rủng rỉnh kim tiền là…phải tìm mọi cách để ké phần! Hãi nhất là vào trúng phải Fb của ai mà cứ tù tù tì tì đăng ảnh nay chụp với người nổi tiếng này, người vang bóng nọ, người khét tiếng kia!!! Và mình cũng lạc vào một vài nơi như thế, cảm giác của cháu là… hạ huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, khó thở! hụ hụ.

Sao mà nhiều người háo danh đến thế! Bệnh nặng đến nỗi mỗi tấm ảnh họ chụp, đều phải chú thích với 1 nhân vật rất “nổi bật" với các danh xưng (Có người đã được xã hội công nhận, có người tự phong) nào là “nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo nhân dân, lương y ưu tú”…cho đến “đại gia, TGĐ, sếp”… và rồi “hoa khôi, hoa hậu, siêu mẫu”…thôi thì đủ món!!! (kèm theo những từ tụng ca “nổi tiếng, khét tiếng, lẫy lừng” vừa hài lại vừa…bi!!!) huhu. 

Lờ và Nờ

LỜ VÀ NỜ

Mình có một tật xấu chắc không bỏ được là dị ứng với nói ngọng. Bàn về vấn đề này dễ đụng chạm bởi lập tức sẽ có bác gân cổ lên cãi đùng đùng: “Ừ, quê tôi nói thế đấy, cả thôn, cả xã, cả huyện, cả… tình chứ chằng đùa!!”. Mình cho là quan điểm này cực kỳ bảo thủ, lạc hậu và biết rằng không phải ai cũng đồng thuận nhưng rõ ràng cho là nói ngọng mới đúng chất giọng quê hương , nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ của họ dù biết mười mươi là không đúng chuẩn tiếng Việt thì mãi mãi thế hệ sau này vẫn luôn tồn tại một bộ phận không thể nói đúng được tiếng mẹ đẻ chứ chưa nói đến nói chuẩn hay viết chuẩn.

ảnh nói ngọng,chữa nói ngọng


Ô nhiễm tiếng ồn

Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

Hôm nay lại phải nói đến sự ô nhiễm của tiếng ồn. Lần này mình không muốn bàn đến sự ồn ào của tiếng còi xe hay tiếng hỗn tạp của phố phường. Điều này có quá nhiều người nói rồi. Mình muốn nói đến sự ồn ào của âm thanh các cuộc chuyện trò của người Việt. Mình vốn là người không hay tò mò, thích nghe tâm sự riêng tư của người khác, nhưng khổ nỗi chuyện này cũng không dễ nhé! Sáng sớm đang lơ mơ ngủ, bỗng giật bắn người vì bà hàng xóm nhận điện thoại ở quê :“Thế “lào”, thế “lào”, bà X, ông Y… độ này có khỏe không, con dâu đã có bầu đứa nữa chưa, bảo con A, thằng B ra chào bà ngay nhé…”… Thế là mất toi giấc mơ đẹp ngày cuối tuần! Huhu! Nhưng sở thích này không chỉ có bác hàng xóm thân thương mắc phải, nhiều đồng nghiệp cơ quan cũng có cái tính cứ nhấc điện thoại lên là oang oang đối thoại át cả … “loa phường”, từ việc mắng con, cãi nhau với vợ đến chuyện mua thuốc hôi nách thì bôi mấy lần trong ngày!!!
x

Có lần đi qua một căn hộ, tôi hết hồn ngỡ họ đang đánh chửi nhau, hoàn hồn lại mới biết họ đang nói chuyện vui với đủ con rể, con dâu trong bữa cơm gia đình! Thì ra vui hay buồn bực, họ đều "tra tấn tiếng ồn" cho hàng xóm! Thói quen nói to trước hết làm hại cho người nói bởi có nhiều chuyện rất… bí mật vì quên “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” mà bỗng chốc “bật mí” cho cả xóm thưởng thức. Nhà tôi ở tập thể, chả hiểu sao vách tường gần của sổ toilet lại là nơi một số các bà, các chị thích hẹn hò để “trút bầu tâm sự”! Hehe. Thôi thế là, cứ khi nào ngồi bên trong tâm sự, tôi cũng bắt đắc dĩ phải nghe “tâm sự” bên ngoài! Từ chuyện vợ chồng “sinh hoạt”, khoe con rồi tố con, chuyện tiền trong sổ tiết kiệm cho đến nỗi căm hận “sâu sắc và mãnh liệt’ của chị hàng xóm này dành cho chị hàng xóm kia…v…v… Huhu. Đôi khi các chị cho thế là thể hiện quan điểm và cá tính của mình trước cuộc sống luôn đầy rẫy giả trá và bất công nhưng xem ra nó có vẻ còn tệ hơn!! 

Sự tệ hại của văn hóa “Khôn lỏi”


Minh họa: Ngọc Diệp
Văn hóa ứng xử trong xã hội văn minh hội nhập là cả một quãng đường dài cần phải học hỏi, tiếp thu và không ngại phá bỏ những tư tưởng lạc hậu, hẹp hòi, bảo thủ. “Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp” – Lời khuyên này có lẽ luôn thích hợp

Đứng xếp hàng ở quầy thanh toán siêu thị, có hai đứa trẻ đứng gần nhau. Người mẹ đứa trẻ đứng sau bảo nó chen lên tính tiền trước, nó không nghe lời và vẫn xếp hàng theo đúng thứ tự. Khi ra ngoài, nghe người mẹ ấy mắng con: “Mày ngu lắm, mua ít đồ thì giành tính trước cho nhanh. Chắc sau này ra đời toàn bị chúng nó ngồi trên đầu thôi!”. Đứa bé ngây thơ cúi gằm nhận lỗi. Thái độ bực tức của bậc phụ huynh kia không phải là cá biệt. Xuất phát từ tâm lý lo sợ con mình bị thiệt thòi, con mình bị mất cơ hội tốt, nên một số cha mẹ Việt dạy con thói “khôn lỏi, đi tắt” để nhằm đạt được lợi ích một cách ngắn nhất, dễ dàng nhất mà không phải tốn nhiều công sức học hỏi, lao động.

Từ những câu tục ngữ xa xưa: “Khôn ăn người, dại người ăn”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”... Đã phản ánh tư tưởng tiểu nông bao gồm những thói quen, tập quán, phong tục, hành vi và thái độ ứng xử của người Việt với phương thức sản xuất nhỏ và những điều kiện sinh hoạt phù hợp với bối cảnh nông nghiệp, nông thôn dẫn đến cách nghĩ của họ cũng hết sức vụn vặt, lẻ tẻ, không có tầm nhìn xa, không có tính chiến lược, thiếu khả năng khái quát tổng hợp. Hơn nữa cả bản tính đố kị, ganh ghét “Trâu buộc ghét trâu ăn". Thói cục bộ, bản vị địa phương cũng là một đặc điểm tâm lý nổi bật của người Việt xưa: “Một người làm quan cả họ được nhờ” dẫn đến việc kéo bè kéo cánh, ít giao lưu mở rộng quan hệ nên đã hạn chế rất nhiều đến tầm nhìn cũng như sự phong phú về nhân cách. Họ chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể. “Bè ai người nấy chống/ Ruộng ai người ấy đắp bờ”. Sống trong một làng quây quần vài chục, nhiều thì trên trăm nóc nhà, nhà ai có việc gì thì chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, chuyện xảy ra ở đầu làng, cuối làng đã biết. Dư luận tạo ra tiếng tăm, tai tiếng, điều tiếng “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Điều này làm nảy sinh tâm lý sĩ diện cá nhân, sống phụ thuộc rất nhiều vào điều tiếng bên ngoài “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Người ta sống theo dư luận và tự mình điều chỉnh ứng xử theo dư luận đó. Khi giáo dục con trẻ, họ cũng dựa vào thói quen, dựa vào kinh nghiệm "Lão nông tri điền", “đất lề quê thói", “phép vua thua lệ làng” lo sợ con em mình “Khôn nhà dại chợ”. Do đó tâm lý khó tiếp thu cái mới, ngại thay đổi để an phận thủ thừa, quen nín nhịn, nín nhịn cả với điều “chướng tai, gai mắt” bởi “Một điều nhịn chín điều lành” vì cái lợi của bản thân mà làm ngơ trước sự bất công, chà đạp xảy ra quanh mình.

"Tôi" đối diện với "chúng ta"

VTH - "Biết rồi nói mãi" nhưng sao vẫn không mấy thay đổi? Hãy thử đi vào sâu hơn của vấn đề... Mời bạn đọc bài viết của VTH trên báo BRVT Chủ Nhật ngày 5/6/2016 tại đây:

human
“TÔI” ĐỐI DIỆN VỚI “CHÚNG TA”

Trong một cuộc họp, một số anh chị ngồi phía dưới nói chuyện riêng, ăn quà vặt rôm rả, đến khi biểu quyết ý kiến bằng hình thức giơ tay, chẳng biết đầu cua tai nheo gì, bèn xúi nhau: “Thấy nhiều người biểu quyết thì mình giơ tay, ít người biểu quyết thì... thôi!”.
Lần khác trong buổi thực tập có giảng viên nước ngoài, khi mời một người lên bày tỏ ý kiến của mình trước những người khác, không thấy ai xung phong, cuối cùng đành dùng hình thức chỉ định người lên phát biểu và khi người này đang nói thì những người ở dưới xúm vào bình luận đủ thứ, thậm chí chê bai không tiếc lời... Những chuyện này không xa lạ với nhiều người, có thể nói từ thời đi học đã thấy vậy, “riết rồi quen”.

Phỏng vấn về thơ trẻ Việt

Bước sang năm 2011, báo Vanhoaviet.com phỏng vấn VTH, xin copy bài trả lời về blog chia sẻ cùng quý bạn đọc:

Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 5 năm yahoovanhoaviet.com (YHVHV) đến với bạn đọc sắp tới. Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo này đã được thực hiện qua email giữa Vũ Trà My và những tác giả được mời... Chủ đề trước tiên chúng tôi bàn về thể loại thơ. Hôm nay vị khách mời kế tiếp của chúng tôi là nhà thơ Vũ Thanh Hoa .
Vũ Thanh Hoa sinh quán tại Hà Nội.Hiện cô là Luật sư làm việc tại TP Vũng Tàu. Việt Nam
Tác phẩm đã xuất bản
- Nỗi đau của lá ( Thơ, 2006)
- Trong em có người đàn bà khác (Thơ, 2009)
- Người nhìn thấu linh hồn (Truyện, 2011)

Vũ Trà My : Chị đến với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của chính anh ( Chị) hoặc của một ai đã từng làm Chị mê đắm, yêu thích đến tận lúc nầy ?

Vũ Thanh Hoa: Tôi đến với thơ từ khi còn rất bé, vì gia đình tôi có truyền thống yêu Văn học và hoàn cảnh tôi khi nhỏ không được sống ở Việt Nam nên ít bạn bè, chỉ biết làm bạn cùng Văn Chương . Hồi ấy, tôi thích đọc thơ dịch rồi tập tành làm thơ khi mới 8 tuổi. Một trong những bài thơ tôi nhớ đến tận bây giờ là bài "Đàn Sếu" của nhà thơ thuộc Liên xô cũ - Raxun Gamzatop do dịch giả Thái Bá Tân chuyển ngữ:

ĐÀN SẾU

Tôi cứ nghĩ những chàng trai đẹp nhất
Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
Không phải chết đang nằm sâu dưới đất
Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao.

Và từ đó, đàn sếu bay, bay mãi,
Bay và kêu như muốn gọi ta cùng,
Chắc vì thế nhiều khi ta đứng lại
Ngước lên nhìn và suy nghĩ mông lung.

Cả đàn sếu xếp thành hàng lặng lẽ
Giữa hoàng hôn bay dọc phía rừng sồi,
Còn một chỗ trong hàng kia, có thể
Chỗ trống này đang để sẵn chờ tôi.

Và có thể một ngày kia mệt mỏi,
Cùng đàn chim tôi bay giữa trời chiều,
Bằng tiếng chim, tôi sẽ lên tiếng gọi
Nhắc những người phía dưới đứng nhìn theo.

Tôi cứ nghĩ: những chàng trai đẹp nhất
Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
Không phải chết đang nằm sâu dưới đất,
Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao...

(RAXUN GAMZATÔP-Thái Bá Tân dịch)